“Nữ phù thủy kì quái” thống trị phố Wall đầu thế kỷ 20 – Mua những thứ có giá trị thấp chẳng ai ngó ngàng đến và giữ cho đến khi tăng giá và mọi người đổ xô đi mua

Posted on Posted in Chia Sẻ Đầu Tư

Hetty Green bắt đầu đọc báo cáo tài chính từ năm 6 tuổi, nhận vị trí kế toán trong công việc kinh doanh của gia đình năm 13 tuổi và nổi tiếng với biệt danh “The Witch of Wall Street” trước cả khi huyền thoại Warren Buffett được sinh ra…

Hetty Green (1834 – 1916) sinh ra trong một gia đình giàu có với cha là chủ của công ty săn bắt cá voi. Tuy nhiên, không giống những đứa trẻ khác, từ năm 6 tuổi, Hetty đã bắt đầu tiếp cận những số liệu tài chính.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đọc những câu chuyện cổ tích, Hetty Green đã làm quen với báo cáo thị trường chứng khoán và nghe phân tích về thị trường từ cha bà. Năm 13 tuổi, Hetty nhận vị trí kế toán cho việc kinh doanh riêng của gia đình.

Hetty càng lớn càng hấp dẫn, được mọi người gọi là “người con gái xinh đẹp với cặp mắt xanh thiên thần”, nhưng bà lại không hề có hứng thú với điều đó. Sở thích lớn nhất của Hetty khi đó là “đầu tư và chỉ có đầu tư”.

Ngày còn niên thiếu, cha Hetty gửi bà tới chỗ một người anh em họ ở New York, và cho 1.200 USD để mua quần áo đẹp. Nhưng Hetty gửi 1.100 USD vào ngân hàng và nhờ anh em họ giúp mình mua đồ với 100 USD còn lại.

Khi trở thành một thiếu nữ, bố của Hetty mua cho bà một tủ phục trang trị giá 1.500 USD để bà diện ngoài đường phố Boston và New York nhằm thu hút những người đàn ông giàu có. Ngay khi nhận được món quà đắt tiền từ bố, Hetty đã bán những bộ quần áo bên trong và đầu tư tiền từ vụ buôn bán này. Tuy nhiên, với số vốn ít ỏi, số tiền thu về chỉ đủ trang trải cuộc sống tự lập sau đó, nhưng Hetty chưa khi nào thôi ham muốn đầu tư.

Sau khi bố bà qua đời năm 1865, Hetty, khi đó 31 tuổi, thừa kế số tài sản lên đến 5 triệu đôla.

Nếu là một người khác, bà có lẽ sẽ an phận với khoản tiền này bởi 5 triệu USD thời điểm đó tương đương với khoảng 15 triệu USD hiện tại – một con số đủ để bà trở thành một triệu phú khi ấy. Nhưng Hetty không như vậy.

Ngay khi nhận tiền thừa kế, bà dùng tất cả tiền mua hết trái phiếu chính phủ. Ở thời điểm đó, nhiều người gọi Hetty là “người điên” bởi kinh tế Mỹ đang lâm vào khủng hoảng khi nội chiến vừa kết thúc. Nhiều người dự báo, đợt khủng hoảng sẽ còn tiếp diễn cả chục năm, và phần lớn nhà đầu tư đang bán tháo trái phiếu chính phủ. Nhưng nhờ vậy, Hetty mua được trái phiếu với giá rẻ mạt từ những nhà đầu tư.

Chỉ vài năm sau đó, nước Mỹ không chỉ vượt qua khủng hoảng mà còn dần bước vào giai đoạn tái thiết, tăng trưởng. Trái phiếu chính phủ, cũng vì thế mà tăng giá. Hetty kiếm được 1,25 triệu USD trong vòng chưa đầy một năm.

Bởi những kiến thức tích lũy từ khi còn bé, Hetty biết được cách thức vận động của thị trường, biết được lúc nào nên bình tĩnh khi mọi người dẫm đạp lên nhau mà chạy.

Cũng với tiêu chí này, bà đổ tiền mua cổ phiếu rớt giá chóng mặt trong “ngày thứ 5 đen tối” – 18/9/1873, chỉ một ngày hôm sau, cổ phiếu phục hồi lại như cũ và bà đã có một khoản tiền khổng lồ.

Nguyên tắc đầu tư nghe có vẻ đơn giản, nhưng đã đưa Hetty trở thành một hiện tượng. Thời điểm mà thế giới chưa có một thiên tài đầu tư nào thì bà đã nổi tiếng với biệt danh “The Witch of Wall Street” (phù thủy của phố Wall), bởi những thương vụ đầu tư vang dội. Một trong những nguyên tắc đầu tư nổi tiếng của Hetty được bà chia sẻ như sau:

Mua những cổ phiếu giá trị thấp khi hầu hết ai cũng chê nhưng doanh nghiệp lại có tiềm năng phục hồi

“Tôi mua những thứ có giá trị thấp và chẳng ai ngó ngàng đến, tôi giữ chúng cho đến khi chúng tăng giá và mọi người đổ xô đi mua”, Hetty giải thích. Với phương châm “mua rẻ, bán đắt”, chọn đúng thời điểm, Hetty đã nhanh chóng thành công trên cả thị trường chứng khoán, bất động sản, kinh doanh và trái phiếu.

Đầu tư là phải bảo toàn vốn

Hetty chia sẻ nhà đầu tư hãy tránh xa những cổ phiếu có nguy cơ rủi ro cao. Nhà đầu tư nên rót vốn vào những trường hợp rủi ro được đánh giá thấp hơn mức trung bình trên thị trường.

Giữ cho các khoản phí giao dịch và thuế ở mức thấp cũng là một nguyên tắc. Qua thời gian, đồng vốn ở những cổ phiếu tốt sẽ sinh lời, và lượng vốn càng được duy trì ổn định, lợi nhuận càng có thể tăng cao.

Trong một thời điểm nhất định, bà không thích liên tục đa dạng hóa danh mục đầu tư và rải tiền từ hết doanh nghiệp này đến công ty kia để phân tán rủi ro, mà chỉ tập trung vào những doanh nghiệp thực sự có tiềm năng. Cùng lúc, bà chỉ đầu tư vào những vị thế giao dịch mà bà thực sự hiểu biết và liên tục tìm kiếm các lựa chọn mới.

Một khi đã tìm được các lựa chọn như vậy, thông thường là tài sản bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, họ sẽ mua đến hết khả năng nhằm tối đa hóa lợi nhuận về sau. Họ cũng giữ kín thông tin về việc đang làm và rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, thay vì lặp lại các sai lầm đó.

Nói “không” với các khoản nợ

Những nhà đầu tư thành công thường là những người có ý định đầu tư lâu dài và chuyên tâm vào những cổ phiếu đã chọn. Khi chuyên tâm, sẽ dần có thói quen bỏ ra lượng tiền ít hơn vốn đang có để đầu tư và tránh xa việc vay nợ. Đầu tư một cách căn cơ sẽ tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, trong khi vay nợ để đầu tư mang lại kết quả ngược lại.

Nói như vậy không có nghĩa những nhà đầu tư huyền thoại không bao giờ dùng chiến thuật đòn bảy (leverage) nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ quá trình đầu tư của họ. Mặt khác, theo Hetty các nhà đầu tư này luôn tuân thủ các quy định tự đề ra rất nghiêm ngặt, như việc thoát khỏi thị trường ở một mức giá được đặt ra ngay từ khi mua cổ phiếu.

Có thời điểm, bà được gọi là người phụ nữ kiếm tiền giỏi nhất nước Mỹ. Nhưng ngoài tài năng, đầu óc phán đoán thời cơ nhanh nhạy, Hetty Green còn nổi tiếng với lối sống lập dị, keo kiệt bậc nhất. Lối sống có phần ảnh hưởng từ cung cách đầu tư của Hetty.

Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ, Hetty sống cực kỳ tiết kiệm. Mỗi ngày đi làm bà mang theo một chiếc cặp lồng, trong đó chỉ có bánh quy và bột yến mạch. Mỗi chiếc bánh có giá 15 xu.

Nổi tiếng là thế những cũng có khá nhiều giai thoại xung quanh cuộc sống hôn nhân của bà.

Năm 33 tuổi, Hetty lấy Edward Henry Green, lớn hơn bà 12 tuổi và cũng là một người giàu có. Vốn là một người tính toán chu toàn trong đầu tư, trước khi kết hôn, bà đã buộc chồng ký vào bản thỏa thuận tiền hôn nhân, trong đó có điều kiện sẽ không được đụng vào tiền của bà nếu họ chia tay – một thỏa thuận chưa từng có trong lịch sử hôn nhân trước đó.

Khi chồng Hetty gặp khó trong kinh doanh, nhờ tới sự trợ giúp của vợ, Hetty một mực từ chối. Bà cho rằng dù sống với nhau, tài chính của hai người hoàn toàn tách biệt, bà không có nghĩa vụ phải giúp đỡ chồng. Khi đó tài sản ròng của Hetty ước tính khoảng 25 triệu đôla. Không có tiền, không được vợ đứng ra bảo lãnh, công ty của Edward phá sản. Edward vô cùng xấu hổ vì điều này. Cả hai sau đó chia tay, Hetty sống với hai người con.

Năm 1916, bà Hetty qua đời vì ốm yếu, để lại khối tài sản ước tính khoảng 200 triệu USD bao gồm gần 7.000 khối tài sản như khách sạn, tòa văn phòng, nữ trang, cổ phiếu…

Quy đổi 200 triệu USD ngày đó tương đương với 4,5 tỷ USD hiện nay, có thể thấy bà là người phụ nữ giàu nhất thế giới, thậm chí còn giàu hơn cả JP Morgan, một trong những chủ ngân hàng thế lực nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Tới tận bây giờ, tên tuổi bà vẫn luôn sống mãi với phố Wall với biệt danh nhà đầu tư nổi tiếng kiêm kì quái nhất thời bấy giờ.

Theo Tri Thức Trẻ – Lê Hằng.